Giá cafe nội địa chạm đáy

(TBKTSG Online) Giá cà phê nội địa lập đáy mới. Giá kỳ hạn robusta châu Âu xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm nay. Hậu quả thua lỗ do đầu cơ giá lên, do ủng hộ trữ hàng và mở kho, thắt đường xuất khẩu, nay quá nặng nề. Không có biện pháp ngăn ngừa, nông dân và doanh nghiệp cà phê trong nước gánh chịu.

Khả năng mất trắng vốn đã cận kề

Biểu đồ 1: Diễn biến giá cà phê trên thị trường nội địa do tác giả tổng hợp

Thị trường cà phê nội địa rúng động do giá trên hai sàn kỳ hạn giảm mạnh mấy ngày  gần đây. Giao dịch mua bán mới hầu như ngưng trệ khi giá sàn robusta tại châu Âu xuống dưới 1.700 đô la Mỹ/tấn.

Giá xuống, nhiều người áng chừng giá nội địa sáng nay thứ Bảy 23-5 ở dưới mức 35 triệu đồng/tấn. Nhiều người tin nếu tiếp tục đeo bám theo sàn kỳ hạn thế này, giá cà phê trong nước còn xuống nữa vì đã thủng qua đáy 35 triệu đồng/tấn lập trước đây vào giữa tháng 3-2015 (xem biểu đồ 1).

“Từ mấy tháng nay, nhiều người đưa hàng đi gởi kho nhưng không bán được một hột nào do bán theo phương thức giá chốt sau (price-to-be-fixed) với mức rất thấp, mức trừ rất sâu dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn,” anh Vinh, một đại lý thu mua tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nói.

Thật vậy, nếu giá bán trước đây trừ 80-100 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn, bây giờ giá xuất khẩu cộng 50 đô la/tấn, thì cách biệt giá bán giao vào kho nay thua giá chào mới chừng 150 đô la/tấn, cách nhau trên 3 triệu đồng/tấn, người gởi kho chỉ “bó gối” ngồi xem đồng nghiệp giao dịch, anh Vinh kể tiếp.

Thua vì do bán trừ lùi?

Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa cà phê kỳ hạn châu Âu trong tháng 5-2015 do tác giả tổng hợp

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 22-5, giá kỳ hạn robusta châu Âu đóng cửa chốt mức 1.626 đô la Mỹ/tấn, cận kề với mức thấp nhất 1.625 đô la/tấn lập vào ngày 2-1-2014 (xem biểu đồ 2). Mức 35 triệu đồng/tấn cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên sáng nay 23-5 cũng là mức thấp nhất của niên vụ 2014/15 bắt đầu từ ngày 1-10-2014.

Tin đồn trên thị trường cho rằng các chủ kho đang buộc người giao hàng vào kho chưa chốt phải bán, nếu không, khi thị trường xuống, hợp đồng sẽ tự động bán đúng mức lượng tiền họ đã ứng (thường là 70% giá trị hợp đồng thời điểm giao hàng) để ngăn rủi ro cho phía bên mua. Đây được gọi là bán “chặn lỗ” (stoploss). Thật ra, bán chặn lỗ thường đem lại lợi lớn cho chủ kho vì giá “bị mua” quá rẻ so với thị trường, nhưng thiệt hại nặng nề nằm phía bên bán.

Một số người cho rằng do bán theo phương thức “trừ lùi” tính trên giá chênh lệch như trên là rất nguy hiểm. Hoàn toàn không phải thế. Tâm lý đầu cơ, theo thông tin thiếu chính xác, nhận định theo chiều của người có tiền là đầu cơ tài chính trên thị trường hàng hóa mà không dám thoát khỏi nó, rủ nhau trữ hàng nhưng lại không mở “đường tránh” là vốn và tài chính… chính là những lý do khiến các ngành xuất khẩu hàng hóa nước ta dễ trở thành người “thất thế”, ngành cà phê không phải là ngoại lệ.

Coi phí thuê kho to hơn kim ngạch xuất khẩu?

“Cà phê bán xuất khẩu giá rẻ không được xuất ra khỏi nước, chỉ chạy lòng vòng trong kho ngoại quan hay kho riêng để chờ khi có chút chênh lệch có lợi, nhà nhập khẩu bán lại cho nhà xuất khẩu, rồi người mua lô hàng xuất khẩu ấy lại bán vào ngay cho chủ kho ấy với tư cách là nhà nhập khẩu, hàng cứ thế xoay vòng nhiều lần, ảnh hưởng đến giá bên ngoài. Vì vậy, giá nội địa ngày càng cao, nhà xuất khẩu chân chính không mua được hàng đúng giá để bán, dòng xuất khẩu thực tế bị chặn ngay cửa kho “khách ngoại”, dùng dư luận hạn hán, mất mùa đẩy giá lên mức ảo mà cứ tưởng thế giới thiếu cà phê và phản đối các nguồn thông tin không thuận tai,” một chuyên gia ngành hàng vừa cảnh báo vừa giải thích tại sao “giá nội đội giá ngoại”.

Như vậy, giá ngoài thị trường nội địa cao, người bán đã giao hàng vào kho rồi theo phương thức giá chốt sau không thể nào bán được khi hai mặt bằng giá chênh nhau xa.

“Nếu chốt bán hàng đã giao vào kho, lấy tiền về ra thị trường nội địa mua lại hàng, tiền bán hàng không thể mua đủ lượng bù cho lô hàng đã giao, nên phải phụ thuộc vào chủ kho rất nhiều,” vị chuyên gia nói rõ thêm.

Một điều lạ là thị trường và nhiều nhà phân tích đã từng lên tiếng cảnh báo hiện tượng này vì đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ, gây thiệt hại lớn đến tài sản và kim ngạch xuất khẩu, mất thị phần và đặc biệt mất uy tín ngành cà phê do hệ lụy thua lỗ, “chạy làng”, vẫn không thấy người có trách nhiệm đề nghị các biện pháp cụ thể để ngăn chặn cách làm ăn duy lợi nhuận, gây nguy hại đến tương lai cả ngành xuất khẩu cà phê của cả một nước xuất khẩu hàng đầu cà phê robusta của thế giới. Thật vậy, hàng trong kho không khuyến khích hay bắt buộc xuất đi để kích thích mua bán mới, nên khối lượng xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm 2015 giảm 41% xuống còn chỉ 466.000 tấn, báo cáo tháng 4-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rõ.

Tồn kho thế giới không suy suyển

Trong khi đó, tồn kho cà phê tại các nước tiêu thụ càng lúc càng phình to nhưng vì xuất khẩu ít, hàng cà phê nước ta không tham gia nhiều.

Tại Bắc Mỹ, tính đến hết tháng 4-2015, tồn kho do Hiệp hội Cà phê Hạt (Mỹ) quản lý (Green Coffee Association - GCA) đạt 312.245 tấn, đó là chỉ tính lượng đếm tại các kho cảng mà không tính thêm chừng 120.000 tấn đang nằm tại các hãng rang xay hay đang trung chuyển.

Tại châu Âu, thị trường ước đến nay cũng còn chừng 700.000 tấn tồn kho, trong khi tại Nhật Bản chắc cũng quanh mức 165.000 tấn.

Như vậy, chỉ tính tồn kho tại ba khu vực thị trường tiêu thụ truyền thống, hiện nay ước có trên 1,3 triệu tấn cà phê chưa sử dụng, xấp xỉ sản lượng cả mùa vụ năm nay của nước ta theo ước báo mới nhất của Hiệp hội Cà phê&Ca cao Việt Nam (Vicofa).

Trong khi đó, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn kỳ hạn vẫn còn lớn. Tính đến hết ngày 21-5, tồn kho arabica đạt chuẩn đấu giá của sàn New York vẫn còn 129.000 tấn. Lượng cà phê robusta đạt chuẩn thuộc sàn Ice châu Âu tính đến ngày 11-5 đạt 178.100 tấn. Đặc biệt, cà phê đạt chuẩn thuộc sàn Ice châu Âu trước đây do nước ta cung cấp thì nay nằm trong tay của Brazil.

Phong trào “trọng kho” hơn “trọng thương, trọng xuất khẩu” làm nguy cơ mất trắng vốn kinh doanh cà phê đã thành hiện thực. Mất mùa mất giá gấp mấy lần chưa chắc bằng mất một lần theo kiểu này!

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả

INCOTERMS 2010
10/05/2016