TẠI SAO HỌC ĐẠI HỌC?

Học ĐH theo mơ ước của bản thân?

Học ĐH theo ý nguyện của gia đình?

Học ĐH theo nhu cầu của xã hội?

Học ĐH để kiếm đường ra nước ngoài làm việc? Học ĐH để có lương ngàn đô, đi đây đi đó, tiếp xúc với môi trường quốc tế đa văn hóa?

Học ĐH để có một tấm bằng cho xong, kiếm được một công việc cho xong? Học ĐH đại khái cho xong?

Tôi dám cá bạn đã từng đặt câu hỏi này cho bản thân không ít lần trước khi trở thành một sinh viên thực sự? Tôi cũng dám cá rằng câu hỏi này đã trở thành một nỗi ám ảnh không hề nhẹ, dù bạn đã đang cho rằng câu trả lời hiện tại của mình là đúng – hay sai bét –

thì câu hỏi TẠI SAO HỌC ĐẠI HỌC? và kéo theo đó là HỌC ĐẠI HỌC ĐỂ LÀM GÌ? vẫn sẽ tiếp tục tìm đến bạn, thậm chí cho đến khi tấm bằng ĐH đã có trên tay và bạn nhận được lời mời công việc đầu tiên trong cuộc đời.

Học ĐH theo mơ ước của bản thân? – kỳ thực đây là một điều kiện hoàn toàn lý tưởng, một phần dành sẵn cho những nhân tố xuất sắc, nghĩa là họ biết họ muốn gì, cần phải làm gì để đạt được điều họ muốn đó. Rất tiếc, con số thực tế của những HS và sau này là SV, người đi làm, thực sự chọn đúng ngành để học, học đúng nghề để làm, làm đúng nghề đã mơ... hiện tại thực sự là một con số rất khiêm tốn. Để học ĐH theo mơ ước của bản thân cũng đòi hỏi 100% sự tập trung đi đúng theo định hướng của bản thân, không dao động trước bất kỳ yếu tố bên ngoài nào, nên con đường này sẽ rất chông gai.

Học ĐH theo ý nguyện của gia đình? – đa số các trường hợp chọn câu trả lời này cho quyết định học ĐH của mình rơi vào các ngành đặc thù và “nổi tiếng” như giáo dục, y khoa, kiến trúc sư, v.v… Điều này vô hình trung tạo thành áp lực cho chính HS/SV và sau này là những người “thầy”, người “bác” thực sự. Đã tồn tại không ít trường hợp HS rớt ĐH danh tiếng, SV bỏ ngang giữa chừng ngành học, thầy giáo/bác sỹ từ bỏ bảng trắng áo blu để quay lại làm những ngành nghề khác phù hợp với bản thân hơn, hay kém may mắn hơn, vì không phù hợp với bản thân nên đánh mất chính bản thân mình ngay tại vị trí xã hội đáng mong ước đó.

Học ĐH theo nhu cầu của xã hội? – hiện tượng “ngành hot”, “trào lưu”, mà đã gọi là trào lưu cũng đồng nghĩa với việc trở nên “khó đoán”, “thiếu ổn định”. Nhiều tiền lệ dễ liên hệ như ngành ngân hàng, nhân lực ngành này một thời làm mưa làm gió, khiến người người nhà nhà đổ xô vào những ngành tài chính – ngân hàng hay một số hệ/ chương trình đào tạo tương đương, tạo ra một sự bão hòa mạnh của ngành và hiện tượng đào thải liên tục là điều hiển nhiên. Hay dạo gần đây là ngành kỹ sư phần mềm, các chuyên gia IT/ lập trình với thế mạnh dễ thích nghi với môi trường, nắm bắt cơ hội nhạy bén đang trở thành nguồn cung lao động hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước trên lĩnh vực này, hay thậm chí làn sóng “start-up” cũng khiến ngành này trở thành nơi đất lành chim đậu. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo không đồng đều và đầu ra việc làm thiếu định hướng đang tạo ra rủi ro thất nghiệp hàng loạt, hay khởi nghiệp thất bại hàng loạt cho rất nhiều SV mới ra trường, cũng như nhân sự “cứng” của ngành cũng đang dần trở nên chán chường với thực tế nhảy việc liên tục của nhân viên do thực tế công việc “không như mơ”.

Vậy, câu chuyện nghề nghiệp tương lai có thiên biến vạn hóa kết thúc này, phụ thuộc rất nhiều vào lời mở đầu “TẠI SAO HỌC ĐẠI HỌC?” của nó.

Nếu bạn thực sự cảm thấy có trách nhiệm với gia đình, xã hội, và trên hết là bản thân của chính mình, việc định hướng trả lời câu hỏi trên, định hướng cách bạn kể câu chuyện nghề nghiệp tương lai, cách bạn quyết định đầu tư vốn liếng vào chi phí học tập, đầu tư thời gian, công sức, thế mạnh riêng có vào các điều kiện nâng cao giá trị tuyển dụng cụ thể của bản thân… sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều để sở hữu một kết thúc có hậu cho câu chuyện của mình.

TẠI SAO HỌC ĐẠI HỌC?

“Tôi học ĐH để sau 4 năm trên giảng đường và 1 năm làm việc thực tế, khoản đầu tư ban đầu của tôi vào việc học ĐH sẽ trở thành một con số sinh lời cụ thể, chứ không phải một con số âm – lỗ hàng trăm triệu đồng…”

“Tôi học ĐH để trở thành một người có ích cho xã hội, giúp đỡ được gia đình, thỏa mãn được một số ước mơ tuổi trẻ…”

Hay đơn giản:

“Tôi học ĐH để cảm thấy tự hào với quyết định trọng đại đầu tiên của cuộc đời mình.”

Câu chuyện được kết thúc như thế nào, phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn mở đầu nó. Hãy đầu tư thông minh vào câu chuyện này của mình. Hãy đầu tư thông minh vào nghề nghiệp tương lai của mình.

Tôi chúc câu chuyện của bạn là câu chuyện “ngàn đô”.

Tags:

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả